Xiaomi Mi 2S là một trong những chiếc flagship đầu tiên của Xiaomi. Thiết bị đã đặt những viên gạch đầu tiên cho sự phát triển và thành công của hãng sau này. Sau 10 năm ra mắt, người dùng hiện vẫn có thể đặt mua Xiaomi Mi 2S trên các sàn thương mại điện tử với giá chỉ từ 300 – 400 nghìn đồng.
Thiết kế trên Xiaomi Mi 2S “chuẩn smartphone”
Phải lâu lắm rồi mình mới được trên tay một chiếc điện thoại có kích thước nhỏ gọn đến như vậy. Ngay cả những mẫu flagship như iPhone SE 2022 hay Galaxy S10e vẫn to và rộng hơn đáng kể so với Xiaomi Mi 2S.
Với khối lượng chỉ 145 gram, Xiaomi Mi 2S thậm chí chỉ nhẹ bằng một nửa so với một số mẫu điện thoại gập đang bán trên thị trường. Kích thước nhỏ gọn cùng cách làm viền bo cong khiến cảm giác cầm nắm trên chiếc máy này trở nên vô cùng thoải mái, nhất quán.
Mặt sau trên Xiaomi Mi 2S được hoàn thiện từ nhựa. Máy có thiết kế khá giống những Galaxy Core Prime hay Galaxy Grand Prime thời đó với loa ngoài, đèn flash và camera đặt ngang trên một đường thẳng. Tất nhiên, sau 10 năm, máy đã có những dấu hiệu “tuổi tác” khi xuất hiện rất nhiều vết trầy và xước sâu.
Xiaomi Mi 2S cũng đánh dấu sự xuất hiện của logo “Mi” vô cùng hoài niệm. Biểu tượng này đã xuất hiện và đồng hành trên rất nhiều sản phẩm khác nhau như Xiaomi Mi 4, Xiaomi Mi 8 hay Redmi Note 5 Pro. Mãi đến giữa năm 2021, hãng mới đổi sang logo từ “Mi” thành “Xiaomi” và giữ nguyên cho đến hiện tại.
Hệ điều hành MIUI và sự hoài niệm
Chiếc Xiaomi Mi 2S mình trên tay đang chạy sẵn Android 4.1.1 với giao diện người dùng MIUI-JLB21.0.0. Mình có thử tìm kiếm tên mã phần mềm này trên Internet, nhưng đáng tiếc không nhận được kết quả nào hợp lý. Bên cạnh đó, máy cũng không thể nâng cấp phần mềm mặc dù hỗ trợ tối đa Android 4.4 với giao diện người dùng MIUI 5.
Đặt cạnh HyperOS trên Xiaomi 13 Pro, MIUI trên Xiaomi Mi 2S vẫn giữ lại rất nhiều điểm tương đồng. Toàn bộ ứng dụng được bày ra màn hình chính với bố cục bốn ứng dụng mỗi hàng. Hay là phần thông tin thiết bị trên cả hai đều hiển thị thông số phần cứng như CPU, RAM chứ không chỉ có phần mềm.
Tất nhiên, MIUI trên Xiaomi Mi 2S vẫn có nhiều yếu tố hoài niệm. Thứ nhất, biểu tượng ứng dụng trên đây được thiết kế theo dạng 3D, hình khối hơn chứ không “phẳng” giống như MIUI 14 hay HyperOS. Thứ hai, thanh cài đặt nhanh hay giao diện Cài đặt giống với Android gốc chứ chưa phân hoá hay thay đổi như hiện tại. Điều này cũng xảy ra tương tự với giao diện ứng dụng Camera.
Về trải nghiệm sử dụng, phải dành lời khen cho Xiaomi Mi 2S. Mặc dù hiệu năng đã lỗi thời, song các thao tác vuốt chạm trên máy vẫn có sự mượt mà nhất định. Hiệu ứng chuyển cảnh trên MIUI có phần chậm rãi nhưng lại rất nhịp nhàng và gọn gàng. Đây là điều mà nhiều mẫu điện thoại trong năm 2023 thậm chí còn không làm được.
Dùng cơ bản vẫn ổn
Snapdragon S4 Pro trên Xiaomi Mi 2S có thể coi là con chip “lỗi thời” trong năm 2023. Tuy nhiên, nếu dùng với mục đích cơ bản, máy vẫn đáp ứng ở mức chấp nhận được.
Các chức năng cơ bản như nghe gọi, nhắn tin trên Xiaomi Mi 2S hoạt động ổn định và khá mượt mà. Tất nhiên, quá trình sử dụng sẽ gặp đôi phần khó khăn vì chuẩn SIM trên chiếc máy này là micro-SIM, không phải nano-SIM như bây giờ. Mình có thử lướt Web bằng trình duyệt thì máy vẫn có thể tải và xem nội dung ở mức ổn.
Máy vẫn có thể đăng nhập tài khoản Google như bình thường. Tuy nhiên, do chạy bản Android đã quá cũ, đa phần ứng dụng trên Play Store như Facebook, Messenger hay YouTube có thể không hỗ trợ hoặc hoạt động ổn định trên thiết bị này.
Tạm kết
Nhìn chung, Xiaomi Mi 2S là một chiếc điện thoại hoài niệm khi mang đến nhiều yếu tố quen thuộc như thiết kế, màn hình và đặc biệt là giao diện hệ điều hành. Mi 2S chính là “minh chứng sống” cho hành trình phát triển và vươn ra thế giới của Xiaomi, để rồi chúng ta có những Xiaomi 13 Ultra hay Xiaomi 14 Pro thành công ở thời điểm hiện tại.
<p>The post Nhìn lại Xiaomi Mi 2S sau 10 năm: Còn nhiều điểm mà Xiaomi vẫn tiếp tục giữ lại! first appeared on Vật Vờ Studio - VVS - Tin tức thủ thuật công nghệ.</p>