4 điều Xiaomi cần làm để thành công với smartphone trong năm 2023

Năm 2022 có thể coi là một năm không quá thành công đối với mảng điện thoại của Xiaomi khi thị phần của nhà sản xuất Trung Quốc đã ghi nhận sự suy giảm nhẹ so với năm 2021. Rõ ràng, không phải Xiaomi không có những sản phẩm đủ tốt và chất lượng để thu hút người dùng bởi hãng cũng có rất nhiều mẫu máy được đánh giá là tốt nhất phân khúc. Trong đó có thể kể tới Redmi Note 11 – thiết bị nổi bật nhất phân khúc 4 triệu hay Xiaomi 12S Ultra đã mở ra cuộc đua về cảm biến camera 1 inch trên smartphone… Tuy nhiên, dường như vậy là chưa đủ để giúp cho gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc có bước tiến mạnh mẽ trong mảng điện thoại thông minh trong năm vừa qua.

Vậy trong năm 2023 sắp tới, Xiaomi cần gì để tạo sự đột phá trong mảng điện thoại thông minh?

Dữ liệu thị trường hàng quý của điện thoại thông minh toàn cầu

(Q4 2020 – Q3 2022)

Thương hiệu Quý 4
2020
Quý 1
2021
Quý 2
2021
Quý 3
2021
Quý 4
2021
Quý 1
2022
Quý 2
2022
Quý 3
2022
Samsung 16% 22% 18% 20% 19% 23% 21% 21%
Apple 21% 17% 15% 14% 22% 18% 16% 16%
Xiaomi 11% 14% 16% 13% 12% 12% 13% 13%
OPPO 9% 11% 10% 11% 9% 9% 10% 10%
vivo 8% 10% 10% 10% 8% 8% 9% 9%
Others 35% 26% 31% 32% 30% 30% 31% 31%

Hỗ trợ cập nhật tốt hơn

Với việc ra mắt dòng Xiaomi 11T series, Xiaomi đã cam kết hỗ trợ cập nhật tốt hơn dành cho các dòng máy từ cận cao cấp cho đến cao cấp với 3 phiên bản hệ điều hành lớn và 4 năm cập nhật bảo mật. Tuy nhiên, như vậy là chưa đủ khi so sánh với nhiều đối thủ khác như Samsung, OPPO hay thậm chí là OnePlus. Cả 3 thương hiệu điện thoại này đều đã có cam kết cập nhật đến 4 bản Android lớn và 5 năm cập nhật bảo mật trong năm vừa qua. Ngoài ra, Samsung còn mạnh dạn cam kết hỗ trợ cập nhật mạnh mẽ hơn đối với nhiều mẫu máy tầm trung, điển hình như dòng Galaxy A50 mới đây cũng đã nhận được điều này.

Chưa hết, thời gian chờ đợi để cập nhật lên một phiên bản hệ điều hành mới của Xiaomi cũng lâu hơn khoảng 2 tháng so với các đối thủ khác. Đối với Samsung, chỉ cần 1 tháng sau khi ra mắt Android 13 là nhiều mẫu flagship của hãng như Galaxy S22 series đã nhận được cập nhật lên phiên bản này. Trong khi đó, dòng điện thoại cao cấp nhất của Xiaomi ra mắt trong năm qua là Xiaomi 12 series cũng phải đợi đến tháng 1 năm 2023. Rõ ràng, về khả năng hỗ trợ cập nhật thì Xiaomi cần cải thiện rất nhiều để xứng với top 3 thị phần trên toàn cầu.

Hợp lý hoá danh mục sản phẩm

Xiaomi từ lâu đã nổi tiếng với vô vàn sản phẩm, mẫu mã ra từng thị trường và khu vực trên toàn thế giới. Đối với Redmi Note 11 series, trong năm qua, hãng đã tung ra gần 20 biến thể cho dòng điện thoại này tuỳ vào từng khu vực mà sẽ có tên gọi hoặc bộ vi xử lý khác nhau. Thậm chí, Xiaomi còn phân phối 2 mẫu điện thoại gần giống nhau y hệt ra cùng 1 thị trường là Poco X4 Pro và Redmi Note 11 Pro 5G. Tất nhiên, 2 sản phẩm trên sẽ có tên gọi và thiết kế được thay đổi để người dùng không bị nhầm lẫn.

Việc làm của Xiaomi có thể hiểu được khi một số thương hiệu con, ví dụ như POCO sẽ có độ nhận diện tốt hơn ở một vài thị trường cụ thể. Tuy nhiên, hành động này vô tình làm cho dải sản phẩm của Xiaomi trở nên hết sức phức tạp và có phần thừa thãi. Từ đó, hãng không thể mang lại khả năng cập nhật tốt cho tất cả các thiết bị của mình. Hệ quả là tốc độ cập nhật của MIUI không thể cải thiện. Do đó, hãng cần có một chính sách hợp lý hơn để thu gọn lại dải sản phẩm, tránh tình trạng “đem con bỏ chợ”.

Mở bán điện thoại gập ra thị trường toàn cầu

Một phần lý do khiến điện thoại gập đến từ Samsung vẫn đang chiếm lĩnh phần lớn thị phần là do các thương hiệu Trung Quốc chưa phân phối sản phẩm của mình ra thị trường quốc tế, và Xiaomi cũng không phải ngoại lệ. Đối với Xiaomi Mix Fold 2, hãng vẫn chưa có ý định mang nó ra bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc để mở bán trên thị trường toàn cầu. Nhiều chuyên gia nhận định rằng, Xiaomi dường như chưa có đủ sức cạnh tranh so với các sản phẩm khác ngoài thị trường, từ phần cứng cho tới khả năng tối ưu phần mềm.

Rõ ràng, để mang dòng điện thoại gập ra thị trường quốc tế thì Xiaomi vẫn còn phải cải thiện nhiều, tuy nhiên người dùng vẫn hy vọng nhà sản xuất Trung Quốc sẽ sớm làm điều này với Xiaomi Mix Fold 3 sắp tới.

Cải thiện giao diện MIUI toàn cầu

Dù cùng chạy trên nền tảng MIUI, tuy nhiên có sự phân hoá rõ rệt về độ mượt giữa bản ROM quốc tế và bản ROM nội địa. Trong khi bản ROM nội địa mang lại độ mượt mà cao, khả năng quản lý đa nhiệm tốt cùng nhiệt độ ổn định thì bản ROM quốc tế lại chưa thể làm được những điều này. Đó là lý do nhiều người dùng sẵn sàng sử dụng bản ROM nội địa trên thiết bị Xiaomi của mình dù phải chấp nhận sự đánh đổi như chậm thông báo, phải cài Play Store thủ công hay các ứng dụng không được Việt hoá hoàn toàn. Vì thế, nhiều người dùng sẽ mong chờ vào ngày Xiaomi tối ưu tốt hơn cho các bản ROM quốc tế dành cho các thiết bị mở bán trên toàn cầu.

Tổng kết

Rõ ràng, smartphone của Xiaomi không phải là tệ, tuy nhiên chúng vẫn cần cải thiện hơn trong tương lai để khẳng định thị phần vững chắc trên toàn cầu. Để làm được điều đó, Xiaomi có thể sẽ phải thay đổi rất nhiều về chiến lược phát hành sản phẩm hay tối ưu các bản cập nhật phần mềm. Và khi làm được những điều đó, Xiaomi chắc chắn sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn ở thị trường điện thoại thông minh.

Tham gia Record 2022 để bình chọn các sản phẩm công nghệ được yêu thích nhất trong năm qua. Đây là nơi giúp bạn nhìn lại những thay đổi của các sản phẩm công nghệ ở rất nhiều lĩnh vực, trong đó có thể kể tới điện thoại thông minh, máy tính bảng, TV, ứng dụng hay các đồ điện tử tiêu dùng khác. Tham gia bình chọn sản phẩm yêu thích và chơi các minigame nhận những phần quà lên tói 150 triệu đồng tại https://vatvostudio.vn/record2022/

Tham khảo: Android Authority

<p>The post 4 điều Xiaomi cần làm để thành công với smartphone trong năm 2023 first appeared on Vật Vờ Studio.</p>

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn