Nhìn lại Redmi K30: chỉ 3 triệu đồng có màn hình 120Hz, camera 64MP, nhưng liệu có đáng mua?

Redmi K30 là mẫu máy tầm trung được Xiaomi trình làng vào cuối năm 2019. Tuy nhiên, sản phẩm nhanh chóng thất bại và chìm xuống dưới chiếc bóng quá lớn mà Redmi K20 series để lại. Và sau 3 năm, khi mức giá cho phân khúc hàng cũ chỉ trên dưới 3 triệu đồng, thì liệu đây còn là mẫu máy đáng mua?

Cảm ơn cửa hàng Hùng Mobile đã hỗ trợ Vật Vờ Studio sản phẩm này.

Thông số kỹ thuật trên Redmi K30

Màn hình 6,67 inch IPS LCD
Độ phân giải: 1080 x 2400 pixels
Tần số quét: 120Hz, hỗ trợ HDR10
Hiệu năng Qualcomm Snapdragon 730G (8nm)
Hệ điều hành MIUI 13 (Android 12)
RAM/ROM 6GB/64GB – 6GB/128GB
8GB/128GB – 8GB/256GB
Dung lượng pin 4.500mAh Li-Po
Sạc Sạc nhanh 27W
Camera Camera sau: 64MP + 8MP + 2MP + 2MP
Camera trước: 20MP + 2MP
Hỗ trợ quay video 4K@30fps
Thiết kế Kích thước: 165.3 x 76.6 x 8.8 mm
Khối lượng: 208 gram

Màn hình

Đây được xem là một trong những sản phẩm rẻ nhất thị trường có tấm nền 120Hz. Màn hình tần số quét cao sẽ giúp ích rất nhiều trong việc “gánh” lại sự nặng nề tới từ giao diện MIUI cũng như một con chip đã không còn quá mạnh. Bên cạnh đó, Redmi K30 cũng là một trong số mẫu máy hiếm hoi sở hữu thiết kế “viên thuốc” lớn chứa bộ đôi camera trước. Nhìn chung, phần đục lỗ này không quá ảnh hưởng tới trải nghiệm hiển thị của sản phẩm, nhưng sẽ tốt hơn nếu Xiaomi để lại một nốt ruồi duy nhất, bởi lẽ tác dụng của camera phụ 2MP là không quá nhiều.

Tuy vậy, chất lượng màn hình trên Redmi K30 thật sự là một điểm trừ lớn. Thay vì AMOLED như thế hệ Redmi K20, mẫu máy này lại được Xiaomi lại trang bị màn hình IPS LCD. Chúng ta dễ dàng quan sát thấy hiện tượng thâm đen rõ ràng ở bốn cạnh viền cũng như quanh cụm camera trước. Về chất lượng hiển thị, do không được trang bị tấm nền tốt nên màu sắc cho ra khá nhợt nhạt, màu đen không sâu, độ sáng kém, trong khi góc nhìn tương đối hạn chế.

Tóm lại, màn hình không phải điểm mạnh trên Redmi K30. Mặc dù sở hữu tần số quét màn hình 120Hz ấn tượng trong phân khúc, nhưng rõ ràng người dùng hoàn toàn có thể đánh đổi một màn hình tốt hơn, chẳng hạn như AMOLED, cho dù có thể không có tần số quét quá cao.

Thiết kế

Về thiết kế, Redmi K30 được trang bị mặt lưng hoàn thiện từ kính cường lực Gorilla Glass 5, một điều không thường thấy trên các thiết bị smartphone cùng phân khúc. Mặc dù vậy, bản chất đây là kính bóng, nên sau một thời gian, máy để lại khá nhiều mồ hôi, dấu vân tay và bụi bẩn.

Cảm giác cầm nắm trên Redmi K30 khá tốt nhờ mặt lưng kính cũng như bốn cạnh viền được bo cong mềm mại. Cụm camera được xếp dọc, đi kèm với hình tròn đồng màu được đặt phía ngoài khá giống một vài thiết bị khác như Redmi 9 hay Redmi Note 8 Pro. Cảm biến vân tay trên Redmi K30, vốn được đặt trong màn hình như thế hệ tiền nhiệm, nay đã chuyển sang đặt tại cạnh phải.

Hiệu năng

Redmi K30 vẫn sử dụng chipset Snapdragon 730G như thế hệ trước đó. Sau khoảng 3 năm ra mắt, hiệu năng con chip này nhìn chung vẫn khá ổn, khi mà có thể phục vụ tốt từ các tác vụ cơ bản cho tới một số tựa game nhẹ như Liên Minh Huyền Thoại: Tốc Chiến hay PUBG Mobile.

Biểu đồ FPS Liên Minh Huyền Thoại: Tốc Chiến trên Redmi K30 (Trung bình + 60fps)

Phiên bản chúng mình trên tay đang sử dụng MIUI 13.0.6 trên nền Android 12. Mặc dù vậy, các thao tác vuốt chạm trên máy thường xuyên xảy ra tình trạng giật, lag và thiếu ổn định. Dường như Xiaomi đang có vấn đề về khả năng tối ưu MIUI trên các thiết bị cũ như Redmi K30. Dẫu vậy, người dùng có thể dễ dàng khắc phục tình trạng này bằng cách hạ cấp xuống các bản MIUI thấp hơn hoặc sử dụng một bản ROM tùy chỉnh (Custom ROM) như Pixel Experience.

Máy đang chạy sẵn MIUI 13 trên nền Android 12

Camera

Những thiết bị Redmi K từ trước tới nay thường không được Xiaomi chú trọng quá nhiều về mặt camera, vậy nên chúng ta không thể kỳ vọng nhiều về chất lượng nhiếp ảnh trên Redmi K30. Mặc dù camera sau được trang bị tới bốn ống kính, tuy nhiên lại không có bất kỳ ống kính telephoto nào.

Chất lượng hình chụp cho ra nhìn chung chỉ ở mức đủ dùng. Máy vẫn có thể xử lý ổn trong điều kiện đủ sáng, khi các chi tiết được tái tạo tốt nhờ camera 64MP, trong khi màu sắc hay xử lý HDR có phần trung tính, không quá rực rỡ.

Tuy vậy, khả năng chụp đêm trên Redmi K30 lại không được đánh giá cao. Những tấm hình chụp ra luôn bị mất chi tiết ở các khu vực nền tối, trong khi bóng đèn thường xuyên bị xử lý cháy sáng cũng như tình trạng bệt, noise xuất hiện nhiều.

Một số bức ảnh được chụp từ Redmi K30

Visual Portfolio, Posts & Image Gallery for WordPress

Redmi-K30-Image-3

Redmi-K30-Image-1

Redmi-K30-Image-2

Redmi-K30-Image-4

Redmi-K30-Image-5

Redmi-K30-Image-6

Pin và sạc

Với viên pin 4.500mAh, máy có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng vừa vặn trong một ngày, với các tác vụ cơ bản cùng kết nối 4G. Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên chơi game hay sử dụng các tác vụ nặng, việc đem theo một bộ sạc dự phòng là cần thiết nhằm phục vụ tốt khả năng hoạt động trong một ngày dài.

Dù vẫn là một chiếc máy tốt, nhưng ai sẽ mua Redmi K30?

Không thể phủ nhận rằng Redmi K30 là một chiếc máy tốt. Trong phân khúc trên dưới 3 triệu đồng, khi mà những Samsung hay OPPO còn đang chật vật tìm chỗ đứng với những sản phẩm chính hãng, thù chúng ta đã có một thiết bị với nhiều thông số khủng, chẳng hạn như màn hình 120Hz, camera 64MP và pin 4.500mAh.

Tuy nhiên, đó chỉ là phân khúc chính hãng. Còn khi xét tới loại hàng cũ và xách tay, chúng ta có những lựa chọn tốt hơn nhiều. Thay vì Redmi K30, chúng ta đã có những LG V50, Samsung Galaxy S9 Plus hay Xperia I với tấm nền đẹp hơn rất nhiều, hiệu năng vượt trội cũng như nhiều trang bị “chuẩn flagship”. Thay vì Redmi K30, tại sao chúng ta lại không chọn Redmi K20 (phiên bản tiền nhiệm ngay trước đó), với màn hình AMOLED, thiết kế ấn tượng cùng camera thò thụt?

Và rồi, ai sẽ là đối tượng phù hợp với Redmi K30?

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn