Đánh giá máy trạm HP ZBook Fury 16 G9: Giá trị cốt lõi nằm ở sự tin tưởng và chất lượng trong công việc

Chia sẻ nhanh về máy trạm di động HP ZBook Fury 16 G9: Một sản phẩm dành cho những người thật sự muốn đặt tâm huyết vào sự nghiệp.

ZBook Fury 16 G9 là một trong những sản phẩm nằm trong series ZBook của HP – một dòng máy trạm di động cao cấp được thiết kế để đáp ứng tốt các nhu cầu công việc đòi hỏi gắt gao và tỉ mỉ. Dành cho những bạn nào chưa biết thì ZBook Fury nổi danh với các sản phẩm máy trạm được trang bị cấu hình phần cứng mạnh mẽ, có khả năng gánh vác những tác vụ nặng nề. Cũng chính vì điều này đã khiến cho dòng máy trạm di động này trở thành sự lựa chọn phù hợp cho các chuyên gia về lĩnh vực đồ họa.

HP ZBook Fury 16 G9

Dù chỉ có khoảng thời gian trải nghiệm ngắn ngủi, HP ZBook Fury 16 G9 đã đủ sức thuyết phục mình rằng đây là một trong những mẫu laptop mà mình, lẫn các bạn nên cân nhắc khi quyết định đầu tư vào con đường đồ họa chuyên nghiệp.

Thông số kỹ thuật của HP ZBook Fury 16 G9:

  • CPU: Intel Core i7 12800HX
  • RAM: 16GB DDR5 4800MHz
  • GPU: NVIDIA RTX A2000 (8GB)
  • SSD: NVMe 1TB
  • Màn hình: 16 inch, FullHD+ 1920×1200, tỷ lệ 16:10, độ sáng 400 nits, độ phủ màu 100% sRGB
  • Cân nặng: 2,44Kg
  • Độ bền chuẩn quân đội: MIL-STD 810H
  • Pin: Dung lượng 95WHr
  • Cổng kết nối: Khe cắm thẻ SD, jack cắm 3.5mm, hai cổng USB Type-A, cổng LAN RJ45, khóa bảo mật Nano, hai cổng Thunderbolt 4, Mini DisplayPort 2.0, cổng HDMI 2.1

Tại sao lại chọn một chiếc máy trạm có tính cơ động như HP ZBook Fury 16 G9?

HP ZBook Fury 16 G9

Có thể nói, các mẫu laptop máy trạm đang dần trở thành xu hướng lựa chọn của các bạn sinh viên đang còn đi học, mới ra trường, hoặc thậm chí là những bạn đã đi làm lâu năm. Nguyên nhân đến từ sự tiện ích và tính thực tiễn của yếu tố cơ động mà các dòng máy trạm di động này mang lại là rất cao. 

Mặc dù nói là cơ động nhưng những chiếc laptop máy trạm này cũng không được nhẹ cho lắm. Ví dụ như chiếc HP ZBook Fury 16 G9 mà mình đang trải nghiệm có cân nặng là 2,44Kg, đó là còn chưa kể cục sạc vừa to vừa nặng đi kèm nữa. Nếu các bạn để chung với các xấp tài liệu và một số vật dụng lẻ tẻ khác cũng đủ khiến cho balo của bạn trở nên cồng kềnh. Những người chuyên làm content dùng laptop mỏng nhẹ như mình nghe qua là đã thấy sợ rồi. Ấy thế mà các bạn sinh viên và người đi làm cứ đổ xô đi mua những chiếc laptop như vậy thôi. 

HP ZBook Fury 16 G9

Đơn giản bởi vì laptop máy trạm đáp ứng tốt được 2 nhu cầu chủ chốt, đó là hiệu năng tối ưu cho đồ họa và tính di động. Một chiếc laptop nặng chứng tỏ phần cứng mà hãng trang bị bên trong là rất mạnh mẽ, và do nó mang hình hài của một chiếc laptop nên chúng ta có thể mang nó đi bất cứ đâu để làm việc. Với một chiếc máy trạm di động điển hình như HP ZBook Fury 16 G9, các bạn có thể mang công việc từ công ty về nhà, hoặc ra quán cafe làm việc đều được. Điều này có nghĩa là chúng ta sẽ không bị bó buộc vào một chỗ làm việc cố định nào hết.

HP ZBook Fury 16 G9

Ví dụ thực tế thì mình có một người bạn làm trong lĩnh vực thiết kế nhà cửa, chuyên sử dụng phần mềm vẽ AutoCAD. Bạn ấy hay nhờ mình tư vấn nên chọn loại máy trạm nào cho phù hợp, và nêu rõ nhu cầu luôn là bạn ấy chỉ cần loại máy trạm di động mà thôi. Nguyên nhân là sẽ có những lúc bạn ấy cần đi giám sát thi công công trình thực tế, nên loại luôn những chiếc máy trạm không có tính cơ động. 

Cân nặng 2,44 Kg và kích thước lần lượt 363mm x 250,6mm x 27,75mm khiến cho chiếc laptop HP ZBook Fury 16 G9 có phần to lớn và nặng nề, tuy nhiên 2 yếu tố này lại không hề làm giảm đi sức hấp dẫn của em nó. Đặc biệt là đối với một chiếc máy trạm di động có cấu hình khủng như HP ZBook Fury 16 G9.

HP ZBook Fury 16 G9 là một chiếc máy trạm thanh lịch và bền bỉ

HP ZBook Fury 16 G9

Một góc làm việc gọn gàng, đẹp đẽ luôn khiến con người ta có hứng thú ngồi vào bàn làm việc hơn. Tương tự như vậy, một chiếc laptop đẹp và mạnh sẽ khiến ta có cảm hứng sáng tạo và chăm chỉ hơn trong công việc. 

HP ZBook Fury 16 G9 sở hữu một ngoại hình tối giản với các góc được bo tròn tạo cảm giác thân thiện. Toàn thân laptop được phủ một lớp sơn màu xám bạc đầy sang trọng, và phần mặt lưng còn được trang trí thêm ký hiệu chữ Z tráng gương tượng trưng cho series máy trạm cao cấp ZBook của HP. Thiết kế này khiến cho ZBook Fury 16 G9 toát lên vẻ ngoài thanh lịch, và mình thấy nó cực kỳ phù hợp với những người dùng có nhu cầu thuần về công việc.

HP ZBook Fury 16 G9

Những người dùng này sẽ không muốn chiếc laptop của họ quá cầu kỳ hay hầm hố. Họ muốn các thiết bị làm việc phải mang trên mình một ngoại hình mà đối tác, đồng nghiệp và sếp nhìn vào phải thấy được sự chuyên nghiệp. Mình có thể khẳng định với các bạn rằng, HP ZBook Fury 16 G9 đã làm rất tốt điều đó.

HP ZBook Fury 16 G9

ZBook Fury 16 G9 được làm hoàn toàn từ chất liệu cao cấp và đạt độ bền chuẩn quân đội MIL-STD 810H, mang lại khả năng chống va đập tốt. Trong quá trình sử dụng, mình cũng có thử đè mạnh phần bàn phím, cũng như là thử gấp laptop lại và dùng lực nhấn mạnh lên phần mặt lưng để giả dụ các trường hợp laptop bị chèn ép khi để trong balo. Kết quả là cảm giác khi mình đè lên HP ZBook Fury 16 G9 chỉ cảm thấy sự cứng cáp, không ọp ẹp kể cả phần bàn phím và mặt lưng. Bên cạnh đó, Fury 16 G9 còn được trang bị bảo mật vân tay và miếng che camera vật lý, giúp bảo vệ chiếc laptop của bạn cả về mặt vật lý lẫn phần mềm, và sự riêng tư.

HP ZBook Fury 16 G9

Theo mình thấy, đây hoàn toàn là một sự đầu tư cần thiết mà HP đã làm. Đơn giản là vì không muốn ai muốn đột nhiên một ngày chiếc laptop chứa nhiều dữ liệu công việc quan trọng của mình bị hỏng hóc, đánh cắp và không khôi phục được. Đến cả các bạn game thủ còn không chịu được cảm giác file save game tâm huyết của mình bị mất, chứ huống chi là các dữ liệu quan trọng có thể liên quan tới các hợp đồng thiết kế lên tới hàng trăm triệu đúng không nào.

HP ZBook Fury 16 G9: Khả năng hiển thị rộng rãi, sáng sủa, và sắc nét

Đối với một chiếc máy trạm thì trải nghiệm về thị giác đóng góp một phần quan trọng không hề nhỏ vào trong giá trị tổng thể. Không phải tất cả nhưng dân đồ họa rất hay yêu bằng mắt, nên việc một chiếc laptop được trang bị màn hình đẹp ảnh hưởng lớn đến việc họ có quyết định xuống tiền hay không. 

Dòng HP ZBook Fury 16 G9 có tùy chọn màn hình lên tới 4K OLED, 100% sRGB, 100% DCI-P3, tần số quét 120Hz và độ sáng màn 500 nits, tuy nhiên giá tiền sẽ rất cao. Đối với mẫu HP ZBook Fury 16 G9 mà mình đang trải nghiệm thì có tùy chọn màn hình cơ bản như kích thước 16 inch, tỷ lệ 16:10, độ phân giải Full HD+, độ phủ màu đạt 100% sRGB và độ sáng 400 nit.

Đối với những bạn nào mới bước chân vào nghề, những bạn có điều kiện kinh tế chưa đủ lớn, hoặc nhu cầu sử dụng chưa thật sự cần nhiều tới mức tùy chọn cao nhất thì tùy chọn màn hình cơ bản theo mình là đã đủ dùng rồi. Đặc biệt là tỷ lệ màn hình 16:10, kích thước 16 inch sẽ giúp chúng ta có nhiều không gian hiển thị hơn các màn hình FullHD thông thường, từ đó các bạn có thể tối ưu các vị trí phần mềm sao cho dễ quan sát và thao tác nhất. 

Ngoài ra, độ sáng 400 nit sẽ rất có ích trong các trường hợp chúng ta cần mang laptop ra ngoài trời. Lúc đó ánh sáng mặt trời hoặc các khu vực có ánh sáng mạnh sẽ không khiến cho màn hình bị tối đi. Tuy nhiên, thực tế khi mình sử dụng thì nếu các bạn đứng dưới điều kiện mặt trời quá buổi trưa 12 giờ thì màn hình vẫn sẽ hơi khó thấy nhé.

HP ZBook Fury 16 G9 trạng bị bàn phím nhập liệu dễ dàng và Touchpad chà rất “nuột”

Chiếc máy trạm này được HP trang bị bàn phím full size với đầy đủ các chức năng, điều này sẽ giúp các bạn rất dễ làm quen, cần phím nào là có để bấm ngay, khỏi phải dùng phím tắt này nọ như các bàn phím rút gọn. Bên cạnh đó, phần Touchpad được làm rất lớn, mình có thể di chuột dễ dàng và cảm giác lúc di cũng rất “nuột” chứ không hề bị rít. Các phím chuột trái, chuột phải và chuột giữa cho mình cảm giác ấn nhẹ nhàng và thoải mái chứ không hề tạo cảm giác rẻ tiền, và đây là điều mà mình rất ưng.

HP ZBook Fury 16 G9 sở hữu phần cứng mạnh mẽ, sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu đồ họa khó khăn của bạn

HP ZBook Fury 16 G9

HP ZBook Fury 16 G9 có rất nhiều tùy chọn phần cứng cho các bạn lựa chọn tùy theo nhu cầu công việc cao hay thấp. Cụ thể thì ZBook Fury G9 được HP tích hợp đa dạng các tùy chọn CPU trải dài từ Intel Core i5 12600HX, Core i7 12800HX, Core i7 12850HX, Core i9 12900HX cho tới Core i9 12950HX. 

Về phần GPU thì bao gồm các tùy chọn từ NVIDIA GeForce RTX A1000, RTX A2000, RTX A3000, RTX A4500 cho tới RTX A5500. Đây đều là các combo phần cứng khủng dành cho một chiếc laptop máy trạm, và nó khẳng định rằng dòng HP ZBook Fury G9 có thể xử lý tốt các tác vụ multimedia chuyên nghiệp. 

Xét về phiên bản HP ZBook Fury 16 G9 mà mình đang trải nghiệm sở hữu cấu hình CPU Intel Core i7 12800HX (16 nhân/24 luồng), 16GB RAM DDR5 bus 4800MHz, 1TB SSD, và GPU RTX A2000. Đây là một combo theo mình đánh giá là rất ổn đối với những bạn nào mới nhập môn đồ họa cho tới nhu cầu giải quyết các công việc tương đối nặng. Nếu nhu cầu của bạn cần giải quyết khối lượng công việc nặng hơn, nhiều chi tiết với thời gian render nhanh hơn thì có thể cân nhắc lựa chọn các phiên bản sử dụng RTX A3000 trở lên. 

Do thời gian trải nghiệm không nhiều nên mình chỉ có thể test một số thứ cơ bản như chỉnh hình bằng Photoshop và Lightroom, cũng như là render nhẹ nhàng video 4K dài 1 phút 30 giây. Về phần chỉnh hình thì mình không có gì cần bàn cãi vì mọi thứ diễn ra mượt nhà, dù cho mình edit và xuất hình hàng loạt. Quá trình edit video 4K cũng không gặp khó khăn gì, hiện tượng giật lag không xuất hiện dù mình có sử dụng cũng tương đối nhiều hiệu ứng chuyển cảnh, và một vài animation chuyển động cho hình ảnh bên trong video. 

Mặc dù chất lượng là 4K nhưng thời lượng chỉ kéo dài có 1 phút 30 giây, nên mình cũng không có đánh giá gì nhiều về khả năng render, vì đơn giản là nó nhanh. Nếu bạn nào đã mua em laptop này về render video 4K thời lượng dài hơn thì có thể bình luận bên dưới cho mình biết kết quả nhé.

HP ZBook Fury 16 G9 sở hữu mức pin ổn áp và đa dạng cổng kết nối

HP ZBook Fury 16 G9

HP ZBook Fury 16 G9 được trang bị viên pin dung lượng 95WHr cho lại thời gian sử dụng thực tế là 5-6 tiếng khi mình edit hình ảnh bằng Lightroom và Photoshop, đồng thời là mở Youtube nghe nhạc và lâu lâu lướt Facebook. Nếu các bạn sử dụng với khối lượng công việc nặng hơn thì thời lượng pin có thể ít hơn nhiều. Chiếc laptop này sở hữu đầy đủ các cổng kết nối ăn chơi từ khe cắm thẻ SD, jack cắm 3.5mm, hai cổng USB Type-A, cổng LAN RJ45, khóa bảo mật Nano, hai cổng Thunderbolt 4, Mini DisplayPort 2.0, cổng HDMI 2.1. 

Với nhu cầu làm việc chuyên nghiệp thì số lượng cổng kết nối này hứa hẹn đáp ứng tốt nhu cầu kết nối đa dạng của người dùng, tránh phải mua thêm các Hub chuyển đổi rườm rà.

HP ZBook Fury 16 G9 sinh ra là dành cho người dùng chuyên nghiệp

Được trang bị những thành phần linh kiện cao cấp và tối ưu các trải nghiệm sử dụng hằng ngày, HP ZBook Fury 16 G9 sẽ là một trong những ứng cử viên sáng giá dành cho những bạn nào muốn đầu tư vào công việc, vào tương lai, muốn tìm một thiết bị có thể đáp ứng tốt nhu cầu làm việc chuyên nghiệp. 

Với nhiều tùy chọn cấu hình khác nhau, ZBook Fury G9 có thừa sức mạnh để “cân” mọi tác vụ của người dùng. Từ những tác vụ cơ bản cho đến làm đồ họa 3D chuyên nghiệp cũng được dòng máy trạm này đáp ứng trọn vẹn. Ngoài hiệu năng ấn tượng, máy còn được trang bị các tùy chọn màn hình đỉnh cao, đảm bảo mang đến chất lượng hiển thị ưng ý.

Phát triển sự nghiệp, mở rộng thêm nhiều cơ hội thăng tiến sẽ đòi hỏi bạn cần phải có kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm, đi kèm với đó là một thiết bị tốt có khả năng theo bạn về lâu về dài. Nếu kế hoạch tương lai của bạn khớp với những gì mình vừa nêu trên, thì có thể cân nhắc HP ZBook Fury 16 G9 nhé. 

Cảm ơn các bạn đã quan tâm theo dõi!

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360

The post Đánh giá máy trạm HP ZBook Fury 16 G9: Giá trị cốt lõi nằm ở sự tin tưởng và chất lượng trong công việc appeared first on GVN360.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn