Kể từ ngày ra mắt, Redmi Note 12 luôn nằm trong danh sách những mẫu máy đáng mua nhất tầm giá 4 triệu đồng. Sau gần một năm, phân khúc này chứng kiến thêm nhiều đối thủ cạnh tranh mới đến từ Tecno, Samsung cho đến nubia. Thế nhưng, những sản phẩm trên vẫn khó lòng giành lại “ngôi vương” mà Redmi Note 12 đang nắm giữ.
Giá đã rẻ hơn
Ở thời điểm hiện tại, Redmi Note 12 hàng mới, phiên bản bộ nhớ tiêu chuẩn (4GB | 128GB) hiện có giá dao động từ 3,7 – 3,9 triệu đồng. Con số này thấp hơn 1 triệu đồng so với thời điểm ra mắt. Còn ở thị trường hàng cũ, người dùng có thể sở hữu chiếc máy này với giá chỉ khoảng 3 – 3,3 triệu đồng.
Trên thực tế, những Tecno POVA 5, nubia Neo 5G hay Galaxy A14 5G chỉ tập trung vào một yếu tố nhất định như hiệu năng hay thương hiệu. Trong khi đó, Redmi Note 12 lại cân bằng được hầu hết khía cạnh từ thiết kế, màn hình cho đến camera. Điều này giúp sản phẩm phù hợp với tất cả người dùng, đáp ứng được hầu hết nhu cầu như giải trí hay chơi game.
Nhiều yếu tố vẫn “vô đối” sau 1 năm
Mặc dù đã ra mắt được gần một năm, song Redmi Note 12 vẫn sở hữu nhiều yếu tố “vô đối” trong phân khúc 4 triệu đồng, có thể kể đến như:
Màn hình
Với 4 triệu đồng, người dùng không thể tìm thấy một chiếc điện thoại nào vừa có tấm nền AMOLED, vừa có tần số quét 120Hz như Redmi Note 12. Thậm chí, thông số màn hình trên chiếc máy này còn vượt trội hơn nhiều sản phẩm chính hãng giá 5 – 6 triệu khác.
Một sự thật thú vị là độ sáng màn hình trên Redmi Note 12 tiêu chuẩn còn cao hơn cả bản Pro (1.200 nits so với 900 nits). Đây là yếu tố quan trọng giúp trải nghiệm sử dụng ngoài trời trở nên thoải mái hơn, đặc biệt là với những người giao hàng. Tất nhiên, tấm nền OLED trên Redmi Note 12 chỉ cho chất lượng ở mức ổn. Bốn viền máy vẫn dày và chưa được đều nhau như những sản phẩm cao cấp hơn.
Sạc 33W
Redmi Note 12 sở hữu viên pin dung lượng 5.000mAh cùng tốc độ sạc 33W. Trong tầm giá này, ngoại trừ Tecno thì hầu hết đối thủ khác đều có công suất sạc dừng lại ở 15W hay 18W. Thực tế, Redmi Note 12 chỉ mất khoảng 1 giờ để sạc đầy pin từ 0% lên 100%.
Bên cạnh đó, Redmi Note 12 cũng tương thích rất tốt với các bộ sạc phổ biến hiện nay. Ở nhà, mình có thể tận dụng củ 120W trên Xiaomi 13 Pro để sạc cho chiếc máy này (tất nhiên, máy chỉ nhận tối đa 33W). Còn khi ở công ty, mình có thể dùng dây sạc Power Delivery cho MacBook hay iPhone 15. Khi cắm vào Redmi Note 12, máy vẫn nhận sạc nhanh và chỉ mất khoảng 70 – 80 phút để đầy pin.
Hiệu năng và hỗ trợ cập nhật
Cùng tầm giá với Redmi Note 12, chúng ta đã lựa chọn được nubia Neo 5G với Unisoc T820 hay Tecno POVA 5 với Helio G99. Bản thân Snapdragon 685 cũng không được tối ưu quá tốt. Sau một năm ra mắt, máy vẫn chỉ chơi PUBG Mobile ở mức 30FPS. Chi tiết về hiệu năng, bạn có thể tham khảo bài viết dưới đây.
Tuy nhiên, lợi thế Snapdragon 685 đến từ chính cái tên của nó. Nhờ được tối ưu bởi Qualcomm, Redmi Note 12 có khả năng tương thích tốt hơn với một số tựa game kém phổ biến trên Play Store hay cài đặt thông qua tệp tin .APK. Chưa kể, máy còn hỗ trợ cài đặt các bản ROM Cook từ cộng đồng phát triển, mang đến trải nghiệm sử dụng mới mẻ, mượt mà hơn.
Cụ thể hơn, Redmi Note 12 đã có cộng đồng chính thức trên diễn đàn XDA Developers. Sau gần một năm ra mắt, đã có 10 bản ROM thuần được phát hành cho chiếc máy này, điển hình trong số đó có thể kể đến Pixel Experience hay EvolutionX. Bên cạnh đó, một số thông tin cho rằng Redmi Note 12 cũng được cập nhật lên HyperOS, song chưa được Xiaomi kiểm chứng.
Một số yếu tố khác trên Redmi Note 12
Thiết kế: Ngoại hình trên Redmi Note 12 đi theo xu hướng hiện hành với khung viền vuông vức và ba camera sau được đặt chéo. Tuy nhiên, mình không cảm thấy thích ngôn ngữ thiết kế này vì có phần đơn điệu và mất đi nét cá tính. Đặt cạnh nubia Neo 5G hay Tecno POVA 5, mặt lưng trên Redmi Note 12 trở nên kém nổi bật hơn nhiều. Hy vọng là với Redmi Note 13 chính hãng, Xiaomi sẽ mang một thiết kế khác biệt như cách họ đã làm với dòng Civi.
Phần mềm: MIUI 14 trên Redmi Note 12 đem đến sự cồng kềnh trong trải nghiệm hàng ngày. Mặc dù đã mượt hơn thế hệ tiền nhiệm, song máy vẫn gặp nhiều vấn đề liên quan đến tình trạng giật. Minh chứng, khi dùng Camera, Redmi Note 12 mất đến 1 giây để chuyển từ giao diện chụp sang màn hình xem ảnh. Hoặc là khi mở ứng dụng mới cài đặt hay lâu không sử dụng, máy cũng gặp hiện tượng chậm, lag rất khó chịu. Tuy nhiên, như đã đề cập bên trên, người dùng có thể khắc phục điều này bằng cách cài ROM cook.
Camera: Sau gần 1 năm, camera trên Redmi Note 12 không có nhiều thay đổi. Điểm trừ lớn nhất trên chiếc máy này đến từ khả năng cân bằng trắng khi ảnh đủ sáng bị ám hồng khá nhiều. Trong một vài điều kiện khó như ngược sáng hay thiếu sáng, Redmi Note 12 cũng chưa xử lý tốt được.
Để khắc phục điều này, mình có thử cài Google Camera 9.1 trên Redmi Note 12. Kết quả, ảnh đủ sáng trên máy được cân bằng trắng tốt hơn, không còn gặp tình trạng ám hồng như khi chụp mặc định nữa. Ảnh chụp đêm cũng được kéo sáng tốt hơn, ít bị bệt chi tiết. Minh chứng, bạn có thể tham khảo những bức hình dưới đây.
Thời lượng pin: Với viên pin 5.000mAh, Redmi Note 12 đem đến khả năng sử dụng rất tốt. Ngay cả những hôm dùng nhiều tác vụ hay phải di chuyển ngoài trời, máy vẫn trụ được trong một ngày làm việc với khoảng 6 – 7 giờ sáng màn hình. Nếu hết pin giữa chúng, mình hoàn toàn có thể sạc lại với củ 33W đi kèm theo máy hay bộ sạc hỗ trợ chuẩn Power Delivery.
Tạm kết
Cuối năm 2023 là quãng thời gian hợp lý nhất để người dùng sở hữu Redmi Note 12 chính hãng. Bởi lẽ, mức giá của máy đã giảm sâu và gần như đã “chạm đáy”. Bản thân Redmi Note 12 sau gần 1 năm vẫn chứng tỏ độ “hot” với màn hình chất lượng, hiệu năng ổn, sạc nhanh cùng khả năng hỗ trợ lâu dài.
<p>The post Cảm nhận về Redmi Note 12 sau gần 1 năm: vẫn là “ông vua” phân khúc 4 triệu first appeared on Vật Vờ Studio - VVS - Tin tức và đánh giá sản phẩm công nghệ.</p>